Fluocinolon Acetonid

Tên quốc tế: Fluocinolone acetonide.

Loại thuốc: Corticosteroid dùng tại chỗ.

Dạng thuốc và hàm lượng

Kem, gel, thuốc mỡ, dung dịch dùng ngoài 0,01%, 0,025%, 0,05%.

Một số chế phẩm phối hợp fluocinolon acetonid với neomycin để điều trị các nhiễm khuẩn ngoài da.

Fluocinolon ống 10g

Fluocinolon ống 10g

Tác dụng

Chống viêm, chống ngứa, và tác dụng co mạch.

Chỉ định

  • Fluocinolon acetonid được dùng ngoài để điều trị các bệnh ngoài da khác nhau như:
  • Eczema: Eczema tiết bã, eczema hình đĩa, eczema dị ứng.
  • Viêm da: Viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, viêm da thần kinh.
  • Vảy nến (ngoại trừ dạng vảy nến lan rộng).
  • Liken phẳng, luput ban đỏ hình đĩa.

Chống chỉ định

  • Tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Trứng cá đỏ.
  • Nhiễm khuẩn ở da do vi khuẩn, nấm hoặc virut (Herpes, thủy đậu).
  • Hăm bẹn.

Thận trọng

  • Khi dùng fluocinolon acetonid trên mảng da rộng không nên băng kín vì tăng nguy cơ nhiễm độc toàn thân.
  • Có thể gây suy vỏ tuyến thượng thận ở những người bệnh dùng lượng lớn thuốc và bôi trên diện rộng, dài ngày hoặc băng kín.
  • Những người bị vảy nến cần được theo dõi cẩn thận vì bệnh có thể nặng lên hoặc tạo vảy nến có mủ.
  • Thận trọng với người bệnh suy giảm chức năng tế bào T hoặc những người bệnh đang điều trị bằng thuốc suy giảm miễn dịch khác.
  • Dùng fluocinolon acetonid cho các vết thương nhiễm khuẩn mà không có thêm các kháng sinh điều trị thích hợp có thể làm cho nhiễm khuẩn bị lan rộng.
  • Không dùng nhỏ mắt vì có nguy cơ bị glôcôm gây ra bởi corticosteroid.

Ðối với trẻ em

  • Trẻ em dễ bị suy giảm trục tuyến yên – dưới đồi – thượng thận và hội chứng Cushing hơn người lớn vì tỷ lệ diện tích bề mặt da/cân nặng lớn hơn. Biểu hiện của suy vỏ tuyến thượng thận bao gồm chậm lớn, không tăng cân. Do vậy, hạn chế dùng cho trẻ em và giữ ở liều tối thiểu cần thiết đủ đạt hiệu quả điều trị.

Thời kỳ mang thai

  • Khi cần thiết dùng cho người mang thai, nên dùng với liều thấp nhất.
  • Thời kỳ cho con bú
  • Không nên bôi thuốc lên vú mẹ trước khi cho trẻ bú. Khi cần điều trị cho người cho con bú, bôi một lượng tối thiểu cần thiết và trong thời gian ngắn nhất.

Tác dụng phụ và xử trí

  • Ít gặp
  • Teo da, vết rạn, nhiễm khuẩn thứ phát, dát sần, trứng cá đỏ, viêm da mặt, quá mẫn.
  • Hiếm gặp
  • Suy vỏ tuyến thượng thận.
  • Rậm lông, mẫn cảm.
  • Có nguy cơ tăng tác dụng phụ toàn thân và các phản ứng phụ tại chỗ nếu dùng thuốc thường xuyên, bôi trên diện rộng, hoặc dùng trong thời gian dài cũng như khi điều trị các vùng dễ bị hăm hoặc băng kín chỗ bôi thuốc.
  • Nếu có dấu hiệu suy vỏ tuyến thượng thận, nên ngừng thuốc, giảm số lần bôi thuốc hoặc thay bằng các corticosteroid khác tác dụng yếu hơn.
  • Ngừng thuốc nếu thấy kích ứng da hoặc viêm da tiếp xúc trong lúc điều trị.

Liều lượng và cách dùng

  • Bôi lên vùng da bị bệnh một lớp mỏng, 2 – 4 lần mỗi ngày, tùy thuộc vào tình trạng nặng hay nhẹ.
  • Khi cần băng kín, phải rửa sạch vùng da cần bôi thuốc, bôi thuốc rồi băng bằng một băng thích hợp, có thể dùng miếng gạc nóng, ẩm. Không nên băng khi bôi thuốc cho trẻ em hoặc trên mặt.
  • Thuốc dạng kem đặc biệt thích hợp với bề mặt ẩm hoặc rỉ nước và các góc hốc của cơ thể. Thuốc dạng mỡ thích hợp cho loại da khô, vết thương có vảy.

Lưu ý: Bài viết mang tính chất tham khảo, Bệnh nhân cần hỏi ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng.

Thông tin địa chỉ:
PHÒNG KHÁM DA LIỄU HÀ NỘI
Cơ sở: 447 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội (Đối diện trường Đại học điện lực)
Cơ sở: 54 Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội
Cơ sở: 83 Trần Đại Nghĩa, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0949.47.0055

YÊU CẦU GỌI LẠI

ĐẶT LỊCH KHÁM 094.947.0055

*Lưu ý: Kết quả điều trị phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người

© Copyright 2017 PHÒNG KHÁM DA LIỄU HÀ NỘI, All Rights Reserved.