Griseofulvin

Phenobarbital có thể làm giảm nồng độ griseofulvin trong máu do làm giảm hấp thu griseofulvin và gây cảm ứng enzym cytochrom P450 ở microsom gan, do đó tốt nhất là không dùng đồng thời 2 thuốc này.

Tên quốc tế: Griseofulvin.

Loại thuốc: Chống nấm.

Griseofulvin

Griseofulvin

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Griseofulvin vi tinh thể:Viên nén: 250 mg; 500 mg; nang: 250 mg; hỗn dịch: 125 mg/5 ml.
  • Griseofulvin tinh thể siêu nhỏ:Viên nén: 125 mg, 165 mg, 250 mg, 330 mg; viên bao phim: 125 mg, 250 mg.

Tác dụng

  • Griseofulvin là kháng sinh chống nấm lấy từ Penicillium griseofulvum hoặc từ các Penicillium khác. Tác dụng chống nấm của griseofulvin trước hết là do phá vỡ cấu trúc thoi gián phân tế bào, nên làm ngừng pha giữa của phân bào. Một cơ chế tác dụng khác cũng được đề cập đến là griseofulvin tạo ra DNA khiếm khuyết không có khả năng sao chép.

Chỉ định

  • Griseofulvin được dùng để điều trị các bệnh nấm da, tóc và móng, bao gồm nấm da thân, nấm da chân, nấm da đùi, nấm râu, nấm da đầu và nấm móng do các loài Trichophyton, Microsporum hoặc Epidermophyton nhạy cảm gây ra. Không nên dùng thuốc này để điều trị nhiễm nấm nhẹ hoặc thông thường đáp ứng với các thuốc chống nấm bôi tại chỗ.

Chống chỉ định

  • Người bệnh bị rối loạn chuyển hóa porphyrin, suy tế bào gan và những người có tiền sử mẫn cảm với thuốc.

Thận trọng

  • Griseofulvin có khả năng gây độc nặng.
  • Người bệnh điều trị dài ngày phải kiểm tra thường kỳ chức năng thận, gan và máu. Cần ngừng thuốc nếu có hiện tượng giảm bạch cầu hạt. Một số hiếm trường hợp có thể xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm, thường do dùng liều cao và/hoặc điều trị kéo dài.
  • Vì griseofulvin đôi khi gây phản ứng mẫn cảm với ánh sáng, nên trong thời gian dùng thuốc, người bệnh cần tránh phơi nắng. Phản ứng mẫn cảm với ánh sáng có thể làm nặng thêm bệnh lupus ban đỏ.
  • Thuốc có nguồn gốc từ các loài Penicillium, nên có khả năng dị ứng chéo với penicilin.

Tác dụng phụ

  • Thường gặp: Nhức đầu (khoảng 50% người bệnh). Biếng ăn, hơi buồn nôn. Nổi mày đay, phát ban do mẫn cảm với ánh sáng, ban đỏ đa dạng, ban dạng mụn nước hoặc dạng sởi.
  • Ít gặp: Ngủ gà, chóng mặt, mệt mỏi, lú lẫn, trầm cảm, hoặc kích thích, mất ngủ. Ỉa chảy, nôn, đau bụng, co cứng cơ. Phản ứng giống bệnh huyết thanh, phù mạch.
  • Hiếm gặp: Rối loạn thị giác, viêm dây thần kinh ngoại vi. Viêm miệng, rối loạn vị giác. Vàng mắt hoặc vàng da (thường gặp hơn khi dùng thuốc kéo dài hoặc liều cao).Giảm bạch cầu, giảm bạch cầu hạt.

Liều người lớn

  • Dạng vi tinh thể: Ðiều trị nấm da thân, nấm da đùi hoặc nấm da đầu: 500 mg/ngày. Ðiều trị nấm khó chữa như nấm da chân, nấm móng: 1 g/ngày.
  • Dạng tinh thể siêu nhỏ: Ðiều trị nấm da thân, da đùi và da đầu: 330 – 375 mg/ngày. Ðiều trị nấm da chân, nấm móng: 660 – 750 mg/ngày.

Liều trẻ em (lớn hơn 2 tuổi)

  • Dạng vi tinh thể:Thường dùng 10 – 11 mg/kg/ngày (liều uống tối đa: 1 g), có thể chia làm 2 lần.
  • Dạng tinh thể siêu nhỏ:5 – 10 mg/kg/ngày (liều tối đa: 750 mg), uống ngày 1 lần để điều trị nấm da đầu hoặc nấm da thân. Liều của trẻ nhỏ dưới 2 tuổi chưa được xác định.

Lưu ý: Bài viết mang tính chất tham khảo, Bệnh nhân cần hỏi ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng.

 

ĐẶT LỊCH KHÁM 094.947.0055

*Lưu ý: Kết quả điều trị phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người

© Copyright 2017 PHÒNG KHÁM DA LIỄU HÀ NỘI, All Rights Reserved.