Bệnh nấm da là bệnh thường gặp do vi nấm dermatophytes gây nên và phát triển ở vùng da ẩm ướt, có nhiều mồ hôi như ở bẹn, bìu, kẽ các ngón chân, tay, xung quanh thắt lưng, nếp dưới vú, nách, cổ và ngay cả da vùng đầu. Trong quá trình sống, sợi nấm phát triển và tiết ra độc tố kích thích da gây ngứa.
Dấu hiệu của bệnh nấm da
- Nổi ban hình tròn trên da, gây đỏ xung quanh rìa, vùng da lành ở giữa vòng tròn.
- Nốt bạn có vảy và lan dần trên thân hoặc mặt.
- Gây ngứa, khó chịu
- Có thể xuất hiện nhiều mảng nấm da chồng lên nhau.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân của bệnh nấm da là do nấm ký sinh ở các tế bào thượng bì chết. Bệnh có thể lây truyền theo các đường sau:
- Từ người sang người: qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
- Từ động vật sang người: do tiếp xúc với động vật mắc bệnh, như khi vuốt ve hoặc chải lông cho chó, mèo. Người cũng có thể bị nhiễm nấm từ bò, dê, lợn và ngựa.
- Từ đồ vật sang người: do tiếp xúc với những đồ vật hoặc bề mặt mà người hoặc vật nhiễm bệnh đã chạm vào, như quần áo, khăn tắm, khăn trải giường, lược hoặc bàn chải.
- Từ đất sang người: trong một số ít trường hợp, người có thể bị nhiễm nấm do tiếp xúc với đất bẩn, chỉ xảy ra khi tiếp xúc lâu dài với đất bẩn. Nếu đất có đủ dưỡng chất, bào tử nấm có thể sống hàng tháng trời hoặc lâu hơn.
Bệnh nấm da có lây không
Bệnh nấm da rất dễ lây cho các vị trí khác trên cơ thể của bản thân và cho cả người khác. Phương thức lây truyền chủ yếu là lây trực tiếp. Gồm các hình thức sau đây:
– Tiếp xúc với bào tử nấm có trong thiên nhiên và khi chúng bám vào da, quần áo, khăn mặt một cách tình cờ.
– Tiếp xúc với một số động vật nuôi trong nhà mà các động vật đó bị nấm da.
– Bệnh nấm lây từ người này qua người khác do nằm chung giường, mặc chung quần áo, dùng chung khăn mặt, khăn tắm…
Khi bị bệnh nấm da nên làm gì ?
Khi có dấu hiệu về bệnh nên đến bác sĩ da liễu để được chẩn đoán lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Từ các kết quả có được, bác sĩ sẽ tư vấn, chỉ định điều trị đúng bệnh, dùng đúng thuốc. Không nên tự mua thuốc về điều trị không những bệnh không khỏi mà còn làm bệnh nặng thêm.
>> Bệnh nấm da hiếm khi lan xuống dưới bề mặt da gây nguy hiểm, tuy nhiên người bị suy giảm miễn dịch (như người nhiễm HIV/AIDS) rất khó chữa khỏi bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh
Bệnh nấm da rất khó phòng ngừa. Nấm gây bệnh rất phổ biến và dễ lây thậm chí trước khi triệu chứng xuất hiện
Tuy nhiên, có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
- Có hiểu biết về bệnh, nhận thức được nguy cơ mắc bệnh từ người bị nhiễm hoặc vật nuôi.
- Tuyên truyền cho người khác: Hãy nói cho trẻ biết về bệnh nấm da, cần theo dõi những gì và cách phòng tránh bệnh.
- Giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên để tránh lây nhiễm nấm. Giữ vệ sinh những khu vực công cộng, đặc biệt là trường học, nhà trẻ, nhà tập thể thao và các phòng kín.
- Giữ mát mẻ, không mặc quần áo dầy lâu trong thời tiết nóng ẩm. Tránh đổ mồ hôi nhiều.
- Kiểm tra súc vật nuôi xem có bị nấm da hay không. Bệnh thường biểu hiện là một mảng da bị trụi lông.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn mặt, khăn tắm, lược. Hạn chế cho người khác mượn những vật dụng này.