Tên chung quốc tế: Clindamycin
Loại thuốc: Kháng sinh họ lincosamid.
Dạng thuốc và hàm lượng
Clindamycin được lưu hành dưới dạng hydroclorid hydrat, palmitat hydroclorid và phosphat ester. Hàm lượng thuốc được biểu thị dưới dạng clindamycin.
Viên nang 75, 150 và 300 mg, dung dịch uống 1%, dạng tiêm: 300 mg/2 ml, 600 mg/4 ml, 900 mg/6 ml, dạng bôi 1%.
Chỉ định
- Vì có nguy cơ cao gây viêm đại tràng giả mạc (xem tác dụng phụ), nên clindamycin không phải là thuốc được lựa chọn đầu tiên.
- Nên dành thuốc này để điều trị những bệnh nhiễm vi khuẩn nhạy cảm với clindamycin như Bacteroides fragilis và Staphylococcus aureus, và đặc biệt điều trị những người bệnh bị dị ứng với penicilin. Clindamycin được dùng trong những trường hợp sau:
- Phòng ngừa viêm màng trong tim hoặc nhiễm khuẩn do cấy ghép phẫu thuật cho những người bệnh dị ứng với penicilin hoặc những người đã điều trị lâu bằng penicilin.
- Viêm phổi sặc và áp xe phổi, nhiễm khuẩn đường hô hấp nặng do các vi khuẩn kỵ khí, Streptococcus, Staphylococcus, và Pneumococcus.
- Nhiễm khuẩn trong ổ bụng như viêm phúc mạc và áp xe trong ổ bụng.
- Nhiễm khuẩn vết thương mưng mủ (phẫu thuật hoặc chấn thương).
- Nhiễm khuẩn máu.
- Sốt sản (đường sinh dục), nhiễm khuẩn nặng vùng chậu hông và đường sinh dục nữ như: viêm màng trong tử cung, áp xe vòi trứng không do lậu cầu, viêm tế bào chậu hông, nhiễm khuẩn băng quấn ở âm đạo sau khi phẫu thuật do vi khuẩn kỵ khí.
- Chấn thương xuyên mắt.
- Trứng cá do vi khuẩn đã kháng lại các kháng sinh khác.
- Hoại thư sinh hơi.
- Chống chỉ định
- Người bệnh mẫn cảm với clindamycin.
Thận trọng
Người bệnh có bệnh đường tiêu hóa hoặc có tiền sử viêm đại tràng. Người bệnh cao tuổi nhạy cảm đặc biệt với thuốc.
Clindamycin tích lũy ở những người bệnh suy gan nặng, do đó phải điều chỉnh liều dùng và định kỳ phân tích enzym gan cho những người bệnh này.
Liều lượng và cách dùng
- Clindamycin có thể uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hay bôi. Thời gian điều trị với clindamycin tùy thuộc vào loại bệnh nhiễm khuẩn và mức độ nặng nhẹ của bệnh. Trong các nhiễm khuẩn do các Streptococcus tan máu beta nhóm A, điều trị clindamycin phải tiếp tục ít nhất 10 ngày. Trong các nhiễm khuẩn nặng như viêm màng trong tim hoặc viêm xương tủy, phải điều trị ít nhất là 6 tuần.
- Thuốc uống được sử dụng với liều 150 – 300 mg clindamycin, 6 giờ một lần; liều 450 mg, 6 giờ một lần nếu nhiễm khuẩn nặng. Liều uống đối với trẻ em là 3 – 6 mg/kg thể trọng, 6 giờ một lần. Trẻ em dưới 1 tuổi hoặc cân nặng dưới 10 kg dùng 37,5 mg, 8 giờ một lần.
- Thuốc tiêm bắp hay tĩnh mạch ngắt quãng hay liên tục với dung dịch pha loãng không vượt quá 12 mg/ml, với tốc độ không quá 30 mg/phút. Trong 1 giờ không tiêm tĩnh mạch quá 1,2 g, cũng không nên tiêm bắp quá 600 mg một lần.
- Liều dùng được qui về số lượng tương đương với clindamycin.
- Ðể phòng ngừa viêm màng trong tim hoặc nhiễm khuẩn do phẫu thuật cấy ghép mô: Clindamycin 600 mg (10 mg/kg đối với người lớn) uống 1 – 2 giờ trước khi phẫu thuật, và uống 300 mg (5 mg/kg) 6 giờ sau khi phẫu thuật.
- Sốt sản (nhiễm trùng đường sinh dục): Ðối với sản phụ sốt nhưng không có biểu hiện ốm lâm sàng, điều trị theo kinh nghiệm là: amoxycilin + acid clavulanic; nhưng nếu sốt kéo dài hơn 48 giờ: uống clindamycin 300 mg, cứ 8 giờ một lần (nếu do Mycoplasma) cho đến khi hết sốt hoặc uống 500 mg erythromycin (nếu do Ureaplasma).
- Chấn thương xuyên mắt: Tiêm tĩnh mạch gentamicin 1,5 mg/kg cùng với clindamycin 600 mg.
- Trứng cá: Clindamycin 1% bôi tại chỗ, ngày 2 lần.
- Hoại thư sinh hơi ở những người bệnh mẫn cảm với penicilin: Clindamycin 600 mg, tiêm tĩnh mạch 8 giờ một lần.
- Viêm phổi sặc: Tiêm tĩnh mạch chậm 600 mg clindamycin, 8 giờ một lần, sau đó uống 300 mg clindamycin, 6 giờ một lần, trong 10 – 14 ngày.
Trẻ em:
Liều clindamycin tiêm bắp hoặc tĩnh mạch cho trẻ em trên 1 tháng tuổi, thường từ 15 – 40 mg/kg/ngày, chia làm 3 – 4 lần. Liều tiêm bắp hoặc tĩnh mạch cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi là 15 – 20 mg/kg/ngày, chia làm 3 – 4 lần. Ðối với trẻ sơ sinh thiếu tháng, 15 mg/kg/ngày có thể thích hợp.
Lưu ý: Bài viết mang tính chất tham khảo, Bệnh nhân cần hỏi ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng